(VOV5) - Nhìn lại ba năm phòng, chống dịch, đại dịch Covid-19 gây bất ngờ cho tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cuối tuần qua (3/6) đã thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm). Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân trong việc chung tay chống lại đại dịch nguy hiểm này.
Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỉ lệ tử vong cao, hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Y Tế |
Thành quả của việc đồng lòng chống dịch
Báo cáo của Bộ Y tế cho hay 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận hơn 85 nghìn ca mắc COVIS - 19. Trung bình hằng tháng có 17.000 ca mắc, giảm 8,5 lần so với năm 2021, năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID. Có 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%, đều là trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, hoặc chưa tiêm vaccine. Tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như: sốt xuất huyết, tay chân miệng. Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, với những tiêu chí này, bệnh COVID-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Nhìn lại ba năm phòng, chống dịch, đại dịch Covid-19 gây bất ngờ cho tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô toàn quốc, với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ và kéo dài suốt từ đầu năm 2020 tới nay.
Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công trong việc phòng, chống đại dịch này. Theo thống kê, tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng đồng (tương đương 9,8 tỷ USD). Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.
Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau.
Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, cho rằng: "Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch COVID 19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời và có ngay vaccine để tiêm phòng cho Nhân dân. Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID. Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc."
Thành quả chống dịch COVID – 19 của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID – 19 là thành quả cực kỳ ấn tượng của Việt Nam. Đây là một trong những câu chuyện thành công rực rỡ của ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.
Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, nhận định Việt Nam đã nỗ lực hết mình trong việc huy động sự tham gia, ủng hộ của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân cho hoạt động ứng phó với COVID-19. Trưởng Đại diện UNICEF đề cao việc Chính phủ phân phối vaccine một cách an toàn và hiệu quả, cũng như việc Việt Nam đã huy động được lượng vaccine cần thiết để tiêm cho người dân. Hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã cho thấy khi Chính phủ đã đưa ra cam kết thì sẽ luôn thực hiện rất hiệu quả.
Không chủ quan
Cùng với việc chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Việt Nam sẽ không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì năng lực quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Theo đó, Việt Nam sẽ ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của WHO để xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025.
Để triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới. Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID - 19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 Việt Nam."
Sau 3 năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID - 19, chuyển dịch bệnh từ bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm sang nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thành quả này chính là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam.