(VOV5) - Hội nghị WEF Thiên Tân do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức hằng năm, có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ).
Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà lãnh đạo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), còn gọi là "Diễn đàn Davos mùa hè", đang diễn ra tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc từ ngày 27 đến 29/6.
Mục tiêu cốt lõi của Diễn đàn là kích thích động lực sáng tạo, tinh thần kinh doanh ở khu vực châu Á và trên thế giới, nhằm tìm ra con đường phục hồi, phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững, nhìn nhận triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng như cả khu vực châu Á.
Quang cảnh Diễn đàn Davos mùa Hè lần thứ 14. Nguồn: Reuters |
Do được tổ chức vào mùa hè nên WEF Thiên Tân còn được gọi là "Davos mùa hè". Với chủ đề “Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu”, Hội nghị năm nay mang một tinh thần mới với tham vọng đẩy mạnh kinh tế toàn cầu thông qua các chiến lược kinh doanh liên quốc gia.
Hợp tác: cách duy nhất để giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất
Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà lãnh đạo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra khi thế giới đang trải qua những chuyển đổi sâu sắc về hệ thống, cấu trúc kinh tế, địa chính trị và công nghệ, thách thức các mô hình truyền thống. Để làm chủ quá trình chuyển đổi này và để tạo ra một thế giới bền vững hơn, linh hoạt hơn và gắn kết hơn, đòi hỏi tinh thần kinh doanh và hợp tác.
Theo ông Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuộc họp thường niên của những nhà lãnh đạo mới là cơ hội tạo ra một nền tảng độc đáo để thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường các nỗ lực hợp tác ở cấp độ toàn cầu. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende thì khẳng định: vì chúng ta đang sống trong một thế giới bị rạn nứt, chia cắt nên WEF tin rằng những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất chỉ có thể được giải quyết bằng cách hợp tác. Trong khi đó, phát biểu tại lễ khai mạc (27/6), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) nhấn mạnh suốt 3 năm qua, tất cả các quốc gia đã nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19, điều này cho thấy sức mạnh to lớn của nhân loại cùng đoàn kết và quan tâm đến nhau trong thời kỳ khó khăn. Chính vì vậy, theo Thủ tướng Trung Quốc, các quốc gia trên thế giới phải trân trọng những lợi ích của việc hợp tác, cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu và thúc đẩy tiến bộ của nhân loại. Ông kêu gọi các nước nỗ lực bền bỉ để duy trì công bằng và công lý, bảo vệ an ninh chung cũng như gìn giữ môi trường phát triển hòa bình và ổn định.
Tìm con đường phục hồi, phát triển kinh tế bền vững
Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay tập trung thảo luận các lĩnh vực mới, trong đó đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, nhiều tiềm năng. Các đại biểu tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân thảo luận 6 chủ đề cốt lõi: phục hồi tăng trưởng; Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu; quá trình chuyển đổi năng lượng và vật liệu; bảo vệ thiên nhiên và khí hậu; người tiêu dùng sau đại dịch; và triển khai đổi mới. Hơn 1.500 nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế, cùng các học giả tham gia hội nghị.
Theo Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende, WEF đang tập trung rất nhiều vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu cũng như áp dụng các công nghệ mới. Phát biểu tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cho rằng năng lượng xanh, công nghệ tiên tiến và tính bao trùm rộng rãi có thể giúp đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, người ưu tiên đặt vấn đề khí hậu vào trung tâm của nền kinh tế đất nước, nhấn mạnh New Zealand đảm bảo sản xuất sạch, xanh và bền vững. Ông nói thêm rằng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào “một hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc quốc tế,” và chỉ ra sự thành công của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một ví dụ về hợp tác đa phương.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) cho biết nước này sẽ triển khai các biện pháp để thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, cũng như thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngozi Okonjo-Iweala, kêu gọi các nước xem xét những lĩnh vực thân thiện để đầu tư và xem liệu có thể tập trung hóa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như đưa những lĩnh vực này tham gia vào thương mại thế giới hay không. Bà cũng đề cập đến thương mại xanh và dịch vụ kỹ thuật số là hai lĩnh vực tăng trưởng có thể giúp nhiều người hơn chia sẻ sự thịnh vượng kinh tế.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Ngoài Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ, thì Hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo mới của WEF tổ chức ở Thiên Tân (hoặc Đại Liên) tại Trung Quốc cũng là sự kiện chính thức, quan trọng của WEF. Việc các nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trao đổi và phân tích các vấn đề phát triển của khu vực tại WEF Thiên Tân 2023 góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh ở khu vực châu Á, tìm ra con đường phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.