(VOV5) - Việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng.
Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VOV
|
Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 đang diễn ra trong hai ngày 25 và 26/12, tại Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026. Việc đánh giá tín nhiệm các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và các chức danh khác do Trung ương bầu cũng được tiến hành. Việc làm này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao phục vụ phát triển đất nước.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 đã ban hành kế hoạch 11, trong đó có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản. Theo đó, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng.
Tiêu chuẩn với cán bộ cấp chiến lược cao hơn, toàn diện hơn.
Khác với những lần trước, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021- 2026 không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương; sau đó đến Ban Bí thư, Bộ Chính trị, và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước. Ðây là các bước chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự Ðại hội 13 của Đảng. Trước yêu cầu phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược cũng đòi hỏi cao hơn, toàn diện hơn.
Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, trước hết phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân; năng lực công tác gắn với kết quả công tác. Cán bộ cấp chiến lược phải có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - Ảnh: VOV
|
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Đã là cán bộ cấp chiến lược thì một phẩm chất rất quan trọng đó là có tầm nhìn xa, biết tư duy chiến lược. Muốn đánh giá người nào đó có tầm nhìn xa hay không thì cần xem xét quá trình họ làm trước đó cũng như trong hành xử, quyết định hay thành công của họ. Thứ hai, cán bộ cấp chiến lược phải có tài dùng người tài. Cần xem người đó có tấm lòng tôn trọng những người có năng lực hay không”.
Đánh giá cán bộ cấp cao thông qua lấy phiếu tín nhiệm
Tại Hội nghị lần này, Ban chấp hành Trung ương đánh giá từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư cũng như các chức danh khác do Trung ương bầu thông qua lấy phiếu tín nhiệm. Trước đó, trong khóa 11, Ban Chấp hành Trung ương đã từng thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những vị trí này. Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “lấy phiếu tín nhiệm ở đây không phải đưa ra truy xét, mà bước đầu là để giúp cho cán bộ tự điều chỉnh, tự phấn đấu, rèn luyện”.
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam - Ảnh: VOV
|
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng: “Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, rõ ràng trách nhiệm sau đó cao hơn hẳn. Tuy là một kênh thông tin nhưng lại là rất quan trọng giúp cho việc đánh giá. Nếu Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, người nào được phiếu tín nhiệm cao thì ít nhất đó cũng là sự đánh giá, một phần thưởng đối với họ. Người nào thực hiện công việc được giao chưa thật xuất sắc, phiếu tín nhiệm không cao thì bản thân người đó có điều kiện suy ngẫm lại để sửa chữa”.
Các quy chế, quy định được ban hành và những nội dung mà Hội nghị Trung ương lần này thực hiện là góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, tổng thể công tác cán bộ cấp cao của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao đáp ứng nhiệm vụ phát triển và hội nhập đất nước.