Cuối tuần qua, tại tỉnh Đắk Lắk, diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10 (năm 2002) và Kết luận số 12 (năm 2011) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Những định hướng lớn về phát triển vùng Tây Nguyên trong thời gian tới được đưa ra trên tinh thần phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.
Vùng Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với hơn 2 triệu người, chiếm trên 37% dân số toàn vùng. Đây cũng là vùng có đông thành phần dân tộc nhất cả nước.
Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10 (năm 2002) và Kết luận số 12 (năm 2011) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhiều lợi thế phát triển
Tây Nguyên có nhiều lợi thế phát triển như có 3,2 triệu ha đất rừng (chiếm 21% cả nước), 1 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng. Đây là vùng có hệ sinh thái đa dạng, khí hậu điều hòa. Vùng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); giàu khoáng sản và là trung tâm sản xuất bauxite. Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất lớn cây công nghiệp lớn (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều,...); có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và 10 năm thực hiện Kết luận 12, quy mô kinh tế năm 2020 gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như càphê, cao su, tiêu, cây ăn quả... Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bài toán tổng thể phát triển Tây Nguyên
Theo Thủ tướng, nếu trước đây, Việt Nam xác định Tây Nguyên cần "ổn định để phát triển" thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình, tranh thủ tối đa thuận lợi, hóa giải các thách thức để phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ:
"Phát triển vùng Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tức là đặt bài toán tổng thể phát triển Tây Nguyên. Gắn phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; Khơi dậy niềm tự hào, biến giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng và ý chí, khát vọng vươn lên, tực lực, tự cường, đoàn kết thành động lực phát triển. Phải có cơ chế để phát triển nhất là thu hút nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài.
Về mục tiêu, Thủ tướng chỉ rõ phát triển vùng Tây Nguyên gắn với kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó hình thành một số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc tế; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được vững chắc.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, đất, nước và rừng của Tây Nguyên. Cùng với đó, phát triển đô thị và bố trí dân cư vùng Tây Nguyên phù hợp với các điều kiện đặc trưng của vùng về sinh thái, bản sắc văn hóa. Tập trung phát triển các đô thị trung tâm động lực của vùng, tiểu vùng để lan tỏa, thúc đẩy khu vực phụ cận, các vùng khác phát triển.
"Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước hiệu quả. Hoàn thành một số tuyến đường cao tốc, nâng cấp sân bay, kết nối thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, mở rộng liên kết hoạt động thương mại gắn kết với thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy thương mại điện tử và logistics.
Thủ tướng cũng yêu cầu vùng lấy phát triển nông lâm nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, có chất lượng và giá trị cao; du lịch là đột phá gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển các điểm đến du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc tế.
Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo, làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tây Nguyên là 1 trong 3 vùng chiến lược về an ninh trật tự, là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững, hài hòa có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội của Việt Nam.