(VOV5) - Standard Chartered cho rằng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn.
Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1 của Việt Nam đạt kết quả khả quan trong xu hướng tích cực. Đây là động lực để Việt Nam phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển trong những tháng tiếp theo.
Kinh tế tháng 1 năm 2024 có những điểm ấn tượng, như: số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gấp 2,2 lần so với tháng 12 năm ngoái, thu hút FDI đạt 2,36 tỷ USD, đón 1,5 triệu du khách tới Việt Nam.
Những điểm nhấn đáng chú ý
Về tổng quan, trong tháng 1, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đáng chú ý, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 chỉ tăng 0,31% so với tháng trước. Điều này chứng tỏ lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 524.100 tỷ đồng (hơn 22 tỷ USD), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Nếu trong lĩnh vực tiêu dùng, những sản phẩm Made in Viet Nam đang được nhiều người ưa chuộng thì trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng là điểm đến được nhiều doanh nghiệp ngoại lựa chọn. Bằng chứng là tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, gấp gần 40 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số sản xuất tháng 1 cũng ghi nhận sự tăng trưởng ở đa số ngành công nghiệp trọng điểm, với nhiều ngành tăng trưởng lên đến hai con số, như sản xuất đồ gỗ tăng ấn tượng khi tăng 66,7%, cao gần gấp rưỡi ngành đứng thứ hai là ngành dệt, tăng 46,2%.
Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1 đạt 2,58%, cao hơn cả số tương đối và số tuyệt đối cùng kỳ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết: "Có những biện pháp giải pháp chúng ta đã làm từ ngay từ đầu nhiệm kỳ và có những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Năm 2024 về cơ bản các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn có tính lan tỏa liên kết vùng đã cơ bản hoàn thiện thủ tục. Do vậy, đây là tiền đề để chúng ta có thể đẩy nhanh và hoàn toàn hy vọng niềm tin có cơ sở để 2024 chúng ta có thể giải ngân được tốt kế hoạch đầu tư công và chắc chắn sẽ là 1 năm giải ngân cao."
Trong khi đó, ngay đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ khách quốc tế với hơn 1,5 triệu lượt người, là tháng đón nhận lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục du lịch quốc gia, cho rằng: "Năm 2024 quyết tâm phấn đấu đẩy nhanh việc phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch, đạt tổng thu 840 nghìn tỷ đồng từ hoạt động du lịch (ffanf 36 tỷ USD"
Dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế
Theo Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), do S&P Global công bố, chỉ số PMI tháng 1 của Việt Nam đã tăng lên mức 50,3 điểm so với mức mức 48,9 điểm của tháng 12 năm ngóa. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng. Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực.
Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đều chỉ ra rằng Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chính sách để phục hồi kinh tế, bao gồm cả thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.
Ngân hàng Standard Chartered cho rằng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm nay.
Sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, có thể tin tưởng vào một năm nhiều khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam.