(VOV5) - Quá trình đàm phán Hiệp định Paris cho thấy diễn biến đấu trí giằng co, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sách lược đối ngoại mềm dẻo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách đây 50 năm (27/1/1973), Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đi đến cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Gần 5 năm đồng hành cùng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Paris, ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, có mặt trong gần như toàn bộ quá trình đàm phán với nhiệm vụ phiên dịch và ghi biên bản cho các cuộc họp công khai và bí mật.
Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu |
Ông Phạm Ngạc chia sẻ các cuộc đàm phán đã đối mặt với những thử thách quyết liệt, thậm chí có lúc rơi vào bế tắc. Mỹ đã sử dụng những nhà ngoại giao kỳ cựu như Harriman, Kissinger... kết hợp với các chiến dịch quân sự, các đợt ném bom ở miền Bắc, nhằm gây sức ép lên Việt Nam trên bàn đàm phán. Mặc dù vậy, với bản lĩnh và trí tuệ của nền ngoại giao Hồ Chí Minh, Hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27/1/1973:
"Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, quan trọng nhất là tiếp xúc giữa hai bên, đặc biệt là Mỹ và Việt Nam. Mỹ là nước lớn nhưng với Việt Nam họ rất coi trọng, tôn trọng để mở đường cho họ rút quân và giữ quan hệ tốt." Ông Phạm Ngạc nói.
Ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, chia sẻ về các cuộc đàm phán. Ảnh: qdnd.vn |
Hiệp định Paris năm 1973 là kết quả của quá trình đàm phán dài nhất thế giới với thời gian gần 5 năm, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.
Quá trình đàm phán Hiệp định Paris cho thấy diễn biến đấu trí giằng co, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sách lược đối ngoại mềm dẻo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nguyên tắc vì lợi ích cao nhất của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là thắng lợi vang dội của ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường đi tới hòa bình, thống nhất đất nước, buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa xuân năm 1975.