(VOV5) - Các vấn đề kinh tế và thương mại là chủ đề chính trong phiên thảo luận toàn thể thứ 2 diễn ra chiều 19/1, tại Hà Nội, trong khuôn khổ APPF 26.
Để làm rõ chủ đề này, các đại biểu tập trung thảo luận 4 nội dung, trong đó có vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu thảo luận về vấn đề chống khủng bố |
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ đề của các phiên thảo luận toàn thể của APPF 26 là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng phát triển bền vững hơn trong khu vực. Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, của sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu: "Chúng ta cần phải đổi mới trong tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Chúng ta cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia. Chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, quy tắc tạo thuận lợi cho gia nhập và rút khỏi thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, tăng cường kết nối cung cầu và nâng cao năng lực quản lý nhà nước".
Đề cập đến vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy kinh tế, thương mại, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển cho rằng: "Đề nghị tăng cường hơn nữa hỗ trợ các doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi 1 loạt luật về kinh tế để phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế. Những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Quốc hội Việt Nam khẳng định cùng chung tay với các nghị viện thành viên theo đuổi mục tiêu liên kết quốc tế sâu rộng và toàn diện".
Theo Nghị sỹ Canada, Victor OH, không phải tất cả thành viên của APEC là thành viên của APPF và ngược lại nên để thúc đẩy kinh tế thương mại cần có cam kết chính trị mạnh mẽ: "Đối với tất cả các quốc gia thuộc khu vực châu á - Thái Bình Dương cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác và hội nhập khu vực. Và chúng tôi mong muốn nhận thấy sự tiến triển trong khuôn khổ hợp tác. Hơn tất cả tôi muốn nhấn mạnh việc duy trì ý chí chính trị để đạt được mục tiêu về hội nhập kinh tế khu vực APEC. Mỗi quốc gia đều có thách thức. Và nếu chúng ta chung tay thì biết được thách thức là gì,làm như thế nào để có được thịnh vượng chung".
Ngoài thảo luận về vai trò thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện, các đại biểu cũng thảo luận về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp.
Sáng mai, APPF 26 tiếp tục chương trình nghị sự với phiên thảo luận về các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực.