(VOV5) - Việt Nam sẽ gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. - Ảnh: VGP |
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2-4/11, tại tỉnh Nonthaburi, Thái Lan, các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác nhất trí kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực-RCEP. Các nhà lãnh đạo 16 nước tham gia đàm phán RCEP đã đồng ý trên nguyên tắc về các lời văn trong 20 chương của hiệp định, nhất trí thúc đẩy ký kết RCEP trong năm 2020 tại Việt Nam.
Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thảo luận tìm kiếm các giải pháp linh động trong nhiều lĩnh vực để xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia, nhằm thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định này tại Việt Nam trong năm 2020 khi nước ta đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Đây thực sự là một thông tin tốt lành và vui không chỉ cho ASEAN mà còn 6 nước đối tác của ASEAN, cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới, bởi vì đây là một kết quả thành công có ý nghĩa to lớn, với tầm vóc qui mô của khu vực kinh tế mới được hình thành này, cũng như cả quá trình triển khai hoạt động đàm phán và thương thảo phức tạp nhưng cũng rất tích cực trong những năm vừa qua. Điều này có ý nghĩa lớn đối với cấu trúc thương mại toàn cầu, trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp những khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặt ra những vấn đề lớn liên quan đến nền tảng hệ thống thương mại đa phương.
Việc hình thành một cấu trúc mới của kinh tế và thương mại tại khu vực quan trọng thế giới trong RCEP là một thành tố mới, tiếp tục củng cố và tăng cường xu thế toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa thương mại và mang lại lợi ích chung cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển".
Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Được bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 11/2012, RCEP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu, với tổng dân số 3,56 tỷ người và tạo ra giá trị thương mại hơn 1 nghìn tỷ USD.