(VOV5) - Hiện tại trữ lượng nước vẫn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp.
Hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập", sáng 17/8/2020 - Ảnh: VTV
|
Sáng 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.
Báo cáo khảo sát an ninh nguồn nước tại 12 công trình hồ, đập; 4 nhà máy, trạm cấp nước; 3 nhà máy thủy điện tại 14 tỉnh, thành phố của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, trữ lượng nước vẫn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, nêu rõ: “Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang được đặt ra là rất cấp thiết cần phải thay đổi tư duy trong quản lý, sử dụng nguồn nước một cách an toàn hiệu quả. Nội dung rất quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước cả hiện tại và trong tương lai. Các thách thức đang đặt ra về an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập và quan trọng là các kiến nghị giải pháp mang tính tổng thể dài hạn để kiểm soát tốt vấn đề rất quan trọng này”.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu ý kiến quan tâm đến kế hoạch của Chính phủ và các Bộ về giải quyết tác động biến đổi khí hậu đối với nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long; mức độ ô nhiễm của các nhánh, lưu vực sông trên cả nước; tính khả thi thực hiện các nguồn lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập; nâng cao chất lượng, gia tăng tỷ lệ người dân nông thôn tiếp cận nước sạch.