(VOV5) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Chiều 26/10, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự luật này liên quan rất nhiều đến việc nội luật hóa các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: baodantoc.vn |
Dự thảo Luật trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 92/222 điều của luật hiện hành, thuộc 7 nhóm Chính sách lớn, như đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp…
Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay, Việt Nam không thuần túy là nước "sử dụng tài sản trí tuệ mà đang chuyển mạnh thành quốc gia tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về 2 vấn đề: quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải sừa đổi luật, tạo hành lang pháp lý, góp phần quan trọng trong hội nhập quốc tế. Bà Nguyễn Thị Minh Trang, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, nêu ý kiến: “Ngân sách Nhà nước đầu tư vào khoa học và công nghệ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, chứ không nhằm sở hữu kết quả của khoa học và công nghệ. Do đó, không nhất thiết nhà nước sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tổ chức chủ trì là người am hiểu lĩnh vực có liên quan đến kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ nên việc thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ sẽ thuận lợi hơn, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực cùng hợp tác với tổ chức chủ trì. Vì vậy theo tôi, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế và quyền sở hữu. Ngoài ra, các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp sẽ không bị phạt bằng biện pháp hành chính mà xử lý bằng biện pháp dân sự nhằm từng bước tăng xử lý thông qua tranh tụng tại tòa đồng thời thiệt hại của các bên sẽ được đền bù thỏa đáng theo phán quyết của tòa án”.
Luật Sở hữu trí tuệ từng được sửa đổi vào các năm 2009 và 2019, tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ.