(VOV5) -Việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong bối cảnh mới và thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 diễn ra vào tháng 10/2019.
Phát biểu tại Hội thảo góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra trong 2 ngày, ngày 5 và ngày 6/8, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong bối cảnh mới và thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). |
"Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Hội thảo, tôi đề nghị Viện nghiên cứu lập pháp tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp theo từng nhóm vấn đề, phân tích, lập luận rõ hơn về cơ sở lý luận thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế một cách thuyết phục. Việc tổng hợp báo cáo kết quả Hội thảo cần được tiến hành sớm để cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình xem xét cho ý kiến đối với Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp diễn ra. Đồng thời, cung cấp thêm thông tin cho các cơ quan có liên quan, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo trong quá trình chỉnh lý, thảo luận, xem xét thông qua dự thảo luật trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu trình bày 15 chuyên đề đóng góp ý kiến cho những nội dung trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến của các đại biểu tập trung những nội dung quan trọng như: việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vấn đề làm thêm giờ, tiền lương tối thiểu và chính sách tiền lương, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện, giải quyết tranh chấp lao động.