(VOV5) - Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tập trung trả lời về chất lượng giáo dục đào tạo, việc triển khai thực hiện cải cách giáo dục; đổi mới thi cử...
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận (Ảnh: Tuổi trẻ Online) |
Trả lời về nguyên nhân cử nhân không có việc làm sau khi ra trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng thời gian qua, việc đào tạo của các trường xuất phát từ khả năng mình có. Quy trình mở trường chưa chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp phát triển của thế giới, chưa chú trọng khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ...Những yếu tố đó dẫn đến quy mô tuyển sinh, đào tạo hàng năm tăng trong khi chất lượng chưa được chú trọng. Để khắc phục thực trạng trên, Bộ đã hạn chế thành lập các trường đại học, cao đẳng, cải tiến quy trình cấp phép thành lập, cảnh báo về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có quy mô lớn ...
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Mỗi năm có khoảng 400 nghìn người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, trong 5 năm là 2 triệu. Vấn đề việc làm trong đó có việc làm của sinh viên là vấn đề của thị trường lao động. Việc đào tạo cho nhiều thành phần kinh tế. Và khi thị trường đã hình thành thì độ trễ và không khớp giữa cung và cầu là thực tế khách quan. Chúng tôi có trách nhiệm trong việc đào tạo để nâng cao chất lượng hơn và phải cảnh báo xã hội những lĩnh vực nào đang thừa và thiếu lao động. Bên cạnh đó, về phía các nhà tuyển dụng lao động như các trung tâm giới thiệu việc làm cũng cần được hoàn chỉnh. Trong Đề án chiến lược phát triển việc làm của Chính phủ, chúng tôi đã bàn cụ thể đến việc này”.
Về phân luồng học sinh sinh viên để hạn chế tình trạng ra trường không có việc làm, Bộ trưởng cho biết bước đầu đã thực hiện có hiệu quả tốt. Biểu hiện cụ thể nhất là trong 2 năm trở lại đây, số lượng học sinh thi vào các trường học nghề nhiều hơn. Sắp tới, Bộ giáo dục đào tạo sẽ phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan triển khai những chính sách mới để tiếp tục thực hiện phân luồng./.