(VOV5) - Thảo luận tại tổ chiều 4/11 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
|
Bên hành lang Quốc hội |
Lý do là việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ trở thành yếu tố hạ tầng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Hơn nữa trong tương lai, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) sẽ quá tải, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không thể vì hết đất, không đảm bảo không gian cho an toàn hàng không, kinh phí mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất so với kinh phí xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là gần tương đương. Tuy nhiên nếu xây Long Thành thì kinh phí giải phóng mặt bằng là thấp, bảo đảm tốt hơn không gian cho an toàn hàng không. Về lâu dài nếu Việt Nam cải tiến được công tác quản lý thì có thể cạnh tranh được với các sân bay trung chuyển trong khu vực.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nhiều đại biểu lo ngại chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là quá sức đối với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nợ công đang cao, nhu cầu xây dựng chưa phải là cấp thiết. Ngoài ra cần tính kỹ đến khả năng con số đầu tư sẽ vượt 18 tỷ USD dự kiến ban đầu và phương án di 2 vạn dân để xây dựng dự án. Ông Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu ý kiến: “Đúng là Việt Nam phải có sân bay tầm cỡ nhưng vấn đề là phải tính toán kỹ. Thứ nhất là là vốn từ đâu. Trong báo cáo của Chính phủ này nói 3 nguồn vốn ngân sách, ODA (phải trả lãi tuy lãi ưu tiên), huy động vốn từ bên ngoài (cái này chưa có gì chắc chắn). Nên chăng phải tính toán kỹ hơn và rút kinh nghiệm từ một vài dự án trước đó. Thứ hai, những yếu tố chưa chắc chắn thì nên tính toán lại, kể cả việc giải phóng mặt bằng”.
Cũng trong chiều 4/11, khi thảo luận về việc Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, các đại biểu tán thành việc Việt Nam phê chuẩn 2 Công ước này. Theo các đại biểu, việc Nhà nước Việt Nam phê chuẩn 2 Công ước vào thời điểm hiện nay là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền.
Trước đó, trong sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt./.