(VOV5) - Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện áp đảo của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn.
Tiếp sau việc thông qua Luật cảnh sát biển (còn gọi là Luật hải cảnh) có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, những hành động trên thực địa của Trung Quốc tại Biển Đông trong những ngày gần đây khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại.
Việc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đánh dấu một bước leo thang đáng lo ngại ở Biển Đông. Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.
Chiến sỹ đứng gác bên cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng tại đảo Sinh Tồn Đông.
Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa ở Biển Đông (COC).
Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện áp đảo của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn đã tạo ra bầu không khí bất ổn và cho thấy Trung Quốc đang phớt lờ cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.
Phát biểu trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản và tham dự Đối thoại chiến lược 2+2 ngày 30/3, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc về các động thái trên biển gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc thực thi Luật hải cảnh mới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trên Twitter, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko nhấn mạnh: “Các vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Nhật Bản ủng hộ việc thực thi pháp quyền trên biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”.
Australia cũng phản đối những động thái làm leo thang căng thẳng trên tuyến hàng hải quốc tế này, nơi các nước cần tôn trọng pháp quyền.
Trong khi đó, ông Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định rằng các hành vi của Trung Quốc rất đáng ngờ, các con tàu được buộc sát cạnh nhau “nhằm phục vụ cho mục đích quân sự”, chứ không phải để “đánh bắt cá”. Trong khi đó, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh hải quân của Mỹ, ông Peter Dutton nhận định Trung Quốc đang gây sức ép với các nước ở Biển Đông.