Các thành viên Chính phủ thảo luật về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm

(VOV5) - Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, sáng nay (02/06), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng qua.

Các thành viên Chính phủ thảo luật về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 (Ảnh: VGP)


Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhìn chung kinh tế xã hội 5 tháng qua cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất có xu hướng giảm, thị trường ngoại tệ ổn định, thu hút FDI tích cực; lao động, việc làm, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và có kết quả nhất định; an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo; đảm bảo trật tự an toàn giao thông có chuyển biến. Điểm sáng rõ nét nhất của kinh tế 5 tháng qua là hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó, vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD, vốn đăng ký gần 10,2 tỷ USD. Những tháng đầu năm, có 44.740 doanh nghiệp mới thành lập với vốn đăng ký gần 350 nghìn tỷ đồng.  

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những nhiệm vụ lớn trong năm 2016 là tăng trưởng 6,7%, xuất khẩu tăng trên 10%, lạm phát không quá 5%. Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành tập trung thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả đồng thời hai mục tiêu là tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong thời gian tới.

Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công); tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng (trọng tâm là các tổ chức tín dụng); tái cơ cấu doanh nghiệp (trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước); Thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất lớn, các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Rà soát, hoàn thiện pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác