(VOV5) - Chia sẻ bên hành lang nghị trường về dự thảo nghị quyết này, nhiều đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều nay (ngày 27/10), tại Nhà Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quang cảnh phiên họp chiều 27/10. Ảnh: quochoi.vn |
Dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều với 5 nhóm chính sách. Trong đó, Chính phủ đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay. Cũng trong tờ trình, Chính phủ đề xuất giao thẩm quyền thực hiện đầu tư cao tốc, quốc lộ qua các địa phương cho UBND cấp tỉnh. Chính sách này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cũng như thuận lợi trong quy hoạch, đấu nối hạ tầng. So với quy định hiện nay (địa phương không được phép là cơ quan chủ quản, dùng vốn ngân sách đầu tư dự án cao tốc, quốc lộ), đề xuất của Chính phủ đã cởi mở hơn.
Chia sẻ bên hành lang nghị trường về dự thảo nghị quyết này, nhiều đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bởi điều này cũng thể hiện sự năng động, linh hoạt, đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Hơn nữa, cơ chế đặc thù góp phần giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội về môi trường, văn hoá, giáo dục, hạ tầng số cũng được giải quyết. Các dự án này sẽ thu hút nguồn lao động dôi dư, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế….