Chính thức nâng quan hệ Việt – Pháp lên đối tác chiến lược

(VOV5)Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cộng hòa Pháp, tối qua theo giờ Việt Nam, tại Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault. Hai Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung chính thức nâng quan hệ Việt - Pháp lên Đối tác chiến lược. Đây là bước ngoặt lịch sử, mở ra trang mới trong quan hệ và hợp tác giữa hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương.


Tại hội đàm, hai Thủ tướng thảo luận và thống nhất những phương hướng và biện pháp lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault  đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong khắc phục khủng hoảng kinh tế cũng như đánh giá vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Pháp và việc nâng quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng địn: Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp là dấu mốc rất quan trọng và hết sức có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường để bổ trợ cho nhau cùng thắng, cùng phát triển và chúng tôi cũng nhất chí để triển khai hiệu quả thiết thực quan hệ Đối tác chiến lược thì hàng Chính phủ hai nước phải có chương trình cụ thể.

Chính thức nâng quan hệ Việt – Pháp lên đối tác chiến lược - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Pháp Francois Hollande


Hai Thủ tướng nhất trí Việt Nam và Pháp tiếp tục tăng cường trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao, kiện toàn những cơ chế đối thoại và hợp tác như Đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng, Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế và Hội nghị hợp tác phi tập trung nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế- thương mại-đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân…giữa hai nước.


Trên bình diện đa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU, và Cộng đồng Pháp ngữ. Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU; ủng hộ EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Pháp ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (1982), thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Đề cập vấn đề này tại họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Pháp khẳng định: Nước Pháp ủng hộ việc tự do lưu thông trên biển Đông, tôn trọng nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và mong các bên đạt được COC. Việc tự do lưu thông trên biển, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông chúng tôi thấy rằng có nhiều nước có chung quan điểm với Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các nước thể hiện vai trò của mình theo vị trí của từng nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia có liên quan. Vấn đề biển Đông cần được giải quyết qua con đường đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi thấy lộ trình xây dựng quy tắc ứng xử COC hoàn toàn phù hợp.” 


Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Tuyên bố nêu rõ định hướng hợp tác trên 5 nhóm lĩnh vực, trong đó có hợp tác chính trị - ngoại giao; hợp tác quốc phòng và an ninh; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo Tuyên bố chung, Pháp và Việt Nam tăng cường trao đổi nhằm thúc đẩy đối thoại về quan hệ hợp tác song phương, về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm ; ủng hộ phát triển quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và EU, nhất là trong khuôn khổ Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA).Hai nước nhất trí kiện toàn hoạt động hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, quân y, trang thiết bị, thăm viếng của các tàu quân sự. Pháp hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Pháp và Việt Nam  cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư và kinh doanh; ủng hộ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do toàn diện, cân bằng và tham vọng giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.


Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký hàng loạt các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước liên quan đến các lĩnh vực y tế, ngân hàng, giao thông vận tải, dầu khí.

                                                                          Thành Chung/từ Paris


Cùng ngày,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Chủ tịch Thượng viện Pháp Giăng Pi-e Ben-lờ.

                                                                                                           

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác