(VOV5) - Ngay khi vừa trúng cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, báo chí quốc tế đề nghị xin được gặp, cụ Đỗ Mười trả lời rất rõ: Tôi đồng ý họp báo quốc tế.
Là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có cơ hội được tiếp cận nhiều vị lãnh đạo đất nước như Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tich Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng... Đặc biệt đối với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, tôi được trực tiếp tác nghiệp, tháp tùng một số chuyến công tác dưới địa phương khi phụ trách Chương trình Thời sự Ban Đối nội.
|
Tổng Bí thư Đỗ Mười nghe giới thiệu Quy hoach phủ sóng Phát thanh toàn quốc trong một lần tới thăm Đài TNVN |
Dẫu đã theo cụ từ Quốc hội khoá V, nhưng ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi về cụ là tại Kỳ họp Quốc hội khoá VIII vào tháng 6/1988. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột qua đời, khi ấy cụ Đỗ Mười đang là Thường trực Ban Bí thư được Bộ Chính trị giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 22/6/1988 Quốc hội đã chính thức bỏ phiếu.
Và ngay khi kết quả vừa được công bố, Uỷ viên Bộ Chính trị Đỗ Mười trúng cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, báo chí quốc tế có mặt hôm ấy đề nghị xin được gặp. Tôi đang ngồi cạnh ông Vũ Mão thì thấy ông Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Thông tin đến thì thầm: "Cánh báo chí họ đòi họp báo với sự ra mắt của tân Chủ tịch, vậy ông tính thế nào? Xin ý kiến cụ ngay đi".
Ngày ấy, thường khi các báo trong nước, ngoài nước đề nghị như vậy, thì các cơ quan chức năng tập hợp những vấn đề các báo nêu, sau đó trình lãnh đạo và hẹn một thời điểm tổ chức họp báo. Tôi nghĩ chắc nhanh lắm cũng vài hôm nữa mới có cuộc họp báo, đặc biệt là họp báo quốc tế với một vị nguyên thủ. Thế nhưng khi ông Vũ Mão vừa nêu ý kiến, cụ Đỗ Mười trả lời rất rõ: Tôi đồng ý họp báo quốc tế.
Ông Vũ Mão chắc định hỏi bao giờ, thì cụ Đỗ Mười tiếp luôn: Ngay bây giờ. Đúng lúc ấy, chuông báo giờ nghỉ giải lao và cụ Đỗ Mười từ Hội trường đi lên phòng họp trên tầng hai Hội trường Ba Đình. Thấy mấy nhà báo nước ngoài đi theo, tôi đứng dậy và kéo theo phóng viên thời sự Nguyễn Thị Kim Cúc mang chiếc máy ghi âm R5 nặng trình trịch chạy vượt lên.
Lên đến phòng họp, cụ ngồi ở cái ghế đầu bàn, tôi kéo Kim Cúc đến đặt máy ghi âm trước mặt và ấn Cúc ngồi xuống cạnh. Do anh em chúng tôi đã quen với lực lượng bảo vệ ở đây nên hầu như việc tác nghiệp diễn ra thuận lợi.
Khi mọi người vừa lên kín chỗ, một phóng viên Báo Akahata Nhật Bản hỏi ngay: Thưa Chủ tịch, trước năm 1975, ông đã từng viết trên Tạp chí Học tập - cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam - phê phán việc khoán hộ ở Vĩnh Phúc, đến sau năm 1975, ông lại là tư lệnh cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam. Vậy giờ đây với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp điều hành đất nước ông sẽ...
Câu hỏi vừa dứt, vẫn thói quen hai tay chém chém, Chủ tịch trả lời ngay tắp lự chắc nịch: Chúng tôi cho rằng, từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu lại phải trải qua chiến tranh mấy chục năm, muốn tiến lên CNXH thì phải trải qua một "cây cầu": Đó là Chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Và từ câu hỏi này đến câu hỏi khác, Cụ đều trả lời thấu đáo rõ ràng không lảng tránh.
Băng ghi âm ghi đầy đủ về chuyển trích đàng hoàng, nhưng chúng tôi hết sức đắn đo bởi ở ta lúc đó khái niệm Tư bản nhà nước còn rất lạ lẫm trong công chúng. Khi đưa lên sóng phát thanh “nghe qua loa” liệu hàng triệu quần chúng có tiếp thu được không.
Trong lúc chưa rõ, chúng tôi quyết định đưa tin cuộc họp báo một cách chung chung không đi vào cụ thể. Và, rất may, sáng hôm sau các báo cũng xử lý như vậy. Từ đó vấn đề Tư bản nhà nước luôn là vấn đề buộc tôi phải chú ý tìm hiểu.
Đến Đại hội lần thứ VII của Đảng, thì lớp trưởng, phó ban của Đài TNVN lúc bấy giờ được dự hẳn một ngày ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nghe Tổng Bí thư Đỗ Mười giảng cặn kẽ về Chủ nghĩa tư bản nhà nước. Bằng thực tiễn chỉ đạo các ngành, các lĩnh vực đã từng phụ trách, ông lý giải cái “cầu Chủ nghĩa Tư bản nhà nước" soi rõ những vấn đề đặt ra trong chiến lược ĐỔI MỚI đất nước.