(VOV5) - Chủ tịch nước đề xuất ba giải pháp trong hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức trong khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Tối 19/4, từ Hà Nội, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận cấp cao mở bằng hình thức trực tuyến của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam ý thức sâu sắc về vinh dự được đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và trách nhiệm to lớn đi kèm. Là thành viên tích cực và trách nhiệm của đồng quốc tế, Việt Nam nỗ lực hết mình để đóng góp vào nỗ lực chung, thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, đề cao việc tuân thủ hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đẩy mạnh ngăn ngừa và giải quyết xung đột, phát huy vai trò của tổ chức khu vực trong duy trì ổn định an ninh khu vực và quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ lòng tin và đối thoại luôn là sự khởi đầu và là nền tảng quan trọng cho phát triển quan hệ quốc tế, vì vậy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang cùng Trung Quốc nỗ lực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. ASEAN cũng đang phát huy vai trò trung tâm trong tìm kiếm giải pháp thỏa đáng giúp Myanmar sớm ổn định tình hình thông qua đối thoại và hòa giải.
Ngày 24/4 tới đây, các nhà lãnh đạo của ASEAN sẽ có phiên họp cấp cao để cùng thảo luận, trao đổi về vấn đề quan trọng này. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Dẫu hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu thế và khát vọng cháy bỏng của mọi quốc gia, dân tộc, song nhân loại vẫn đang sống trong một môi trường an ninh đan xen nhiều thách thức.
Trong 5 năm trở lại đây, xung đột đã cướp đi gần nửa triệu sinh mạng trên toàn cầu. Riêng năm 2020, thế giới đã ghi nhận 20 triệu người tị nạn, hơn 50 triệu người mất nơi cư trú do xung đột và gần 170 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Đây chính là những người đang “bị bỏ lại phía sau”, đòi hỏi trách nhiệm của Hội đồng Bảo an chúng ta. Các thách thức to lớn do đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt hay các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, cọ xát, cạnh tranh địa chiến lược, đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết quốc tế hơn bao giờ hết.
Song nghịch lý là lòng tin của chúng ta vào nhau và vào các thể chế đa phương lại có phần lung lay, rất cần có sự củng cố, gắn kết, trong đó có việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong nỗ lực chung nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột thông qua đối thoại và xây dựng lòng tin."
Đại diện các nước tham dự phiên thảo luận trực tuyến. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất ba giải pháp: “Thứ nhất, sự tương tác và bổ trợ lẫn nhau giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực chính là nhu cầu khách quan và là “kết nối 2 chiều” để cùng chia sẻ tri thức, cộng hưởng các nỗ lực chung.
Theo đó, Liên hợp quốc cần đi đầu tăng cường các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột. Ở chiều ngược lại, các tổ chức khu vực với những thế mạnh về kinh nghiệm thực tiễn, nguồn lực và nhu cầu đa dạng, cần mở rộng hợp tác với Liên hợp quốc, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau trên các diễn đàn nhằm tăng cường năng lực ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Thứ hai, chúng ta cần tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương và tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bởi đây chính là điểm tựa, cơ sở vững chắc nhất để tạo dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại. Đồng thời, để phòng ngừa xung đột từ sớm, cần có các giải pháp bao trùm và toàn diện nhằm giải quyết thật căn cơ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng và bạo lực. Tại Đông Nam Á, cả khối ASEAN đang nỗ lực hướng tới mục tiêu thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đoàn kết về chính trị, đa dạng về văn hóa, gắn kết về kinh tế và mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài. Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và chủ động hội nhập quốc tế.”
Về giải pháp thứ ba, Chủ tịch nước cho rằng cần đưa hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực đi vào chiều sâu với các khuôn khổ đối thoại, hợp tác, cơ chế “cảnh báo sớm” các bất ổn. Hội đồng Bảo an cần tiếp tục ghi nhận, tôn trọng quan điểm, vai trò và đóng góp của các tổ chức khu vực, tích hợp vào nhiệm vụ của các Phái bộ Liên hợp quốc, các chiến lược về ngăn ngừa, giải quyết xung đột thông qua đối thoại và xây dựng lòng tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khu vực phát huy vai trò trung tâm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với khát vọng xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh vượng - là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp vào công việc của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an. Với phương châm “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, Chủ tịch nước khẳng định: Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, lên tầm cao mới, vì hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.