(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đề án là tác phẩm khoa học mang tính thực tiễn Việt Nam, phản ánh đường lối, cương lĩnh và Hiến pháp 2013,
Chiều 09/09, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đề án là tác phẩm khoa học mang tính thực tiễn Việt Nam, phản ánh đường lối, cương lĩnh và Hiến pháp 2013, trong đó nhấn mạnh đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, các nội dung cần đảm bảo tính chính trị, lý luận và thực tiễn. Chủ tịch nước yêu cầu: Việc nghiên cứu xây dựng các chuyên đề lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, bám sát các quan điểm chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kế thừa những thành tựu đã đạt được trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đã có nhiều thành công. Nhà nước Việt Nam lo cho dân, vì nhân dân, mục tiêu tối thượng của nhà nước là vì nhân dân. Do đó những nghiên cứu căn bản đã có cần được nâng lên tầm cao mới sát thực tiễn hiện nay hơn để lo cho dân tốt hơn.
Theo Chủ tịch nước các chuyên đề phải có phương pháp tiếp cận khoa học, hệ thống, đồng bộ, toàn diện, có tư duy đổi mới, đột phát, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn Việt Nam và tình hình quốc tế, trong đó có tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, công tác nghiên cứu cần kế thừa các nghiên cứu lý luận, thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.