(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống đa phương.
Tiếp tục chương trình làm việc tại New York, Hoa Kỳ, ngày 22/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống các nước Mông Cổ, Thụy Sĩ và Áo và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Mông Cổ. Nguồn: VOV
|
Tại cuộc gặp với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagin Khurelsukh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Khurelsukh cùng khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị anh em giữa hai nước; nhất trí phát huy vai trò của cơ chế Ủy ban liên chính phủ, đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ ngành hai nước, tăng cường giao lưu nhân dân, qua đó tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin. Nguồn: VOV |
Tại cuộc tiếp Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ODA của Thụy Sĩ thông qua các dự án phát triển cho giai đoạn tới để có thể tiếp cận và thích ứng dễ dàng hơn với bối cảnh mới hậu COVID-19.
Chủ tịch nước tiếp Tổng thống Áo Alexander Van Der Bellen. Nguồn: VOV |
Tại cuộc gặp Tổng thống Áo Alexander Van Der Bellen, hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác kinh tế là trọng tâm của hợp tác hai nước khi từ nhiều năm nay, Áo luôn đứng trong Top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch EU Charles Michel. Nguồn: VOV |
Tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt, hai bên sớm nối lại hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, phát huy hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác, đối thoại hiện có và có các biện pháp thúc đẩy quan hệ. Chủ tịch nước đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên EU sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy Liên hợp quốc làm trung tâm, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông.