(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, chiều 26/9 theo giờ New York, diễn ra sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các Tổng thống Hàn Quốc, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Peru, Tổng thống Ruanda, Tổng Giám đốc UNDP, Tổng Thư ký OECD được mời là diễn giả chính tại Hội nghị.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN |
Cùng với lãnh đạo một số nước phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn xã hội; đồng thời coi trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về nông thôn mới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Chương trình nông thôn mới ở Việt Nam đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước. Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các nước để cùng nhau phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững: "Là nước nông nghiệp với gần 70% dân cư sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung tại Việt Nam. Từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn, cải thiện điều kiện sống và tăng thu nhập cho nông dân. Nông thôn Việt Nam hiện đang chuyển biến mạnh mẽ: 700.000 km đường giao thông nông thôn đã được cải tạo hoặc xây mới; trên 20.000 phòng học và hàng ngàn nhà văn hoá, trạm y tế, trạm cấp nước sạch, công trình thuỷ lợi được xây dựng ở nông thôn; trên 19 ngàn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, sự liên kết giữa doanh nghiệp-nhà khoa học đã đem lại kết quả tích cực. Nhờ đó bộ mặt nông thôn Việt Nam đã đổi thay rõ rệt, nhất là về hạ tầng, thu nhập".
Với những kinh nghiệm thực tiễn, thành quả to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn của Việt Nam, phát biểu của Chủ tịch nước được toàn thể hội nghị đón chào và đánh giá cao.