(VOV5) - Tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước Nhật Bản, ngày 19/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Tokyo đến thăm thành phố Osaka.
Tại đây, Chủ tịch nước đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, gặp gỡ với lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai và 7 lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật-Việt của các thành phố Osaca, Kyoto, Kobe, Sakai, Hirosima. Đặc biệt cuộc tọa đàm giữa Chủ tịch nước với lãnh đạo kinh tế vùng Kansai (Kankeiren) và doanh nghiệp 2 nước đã mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa 2 nước trong nhiều lĩnh vực.
|
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tiễn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân |
Trao đổi với lãnh đạo kinh tế vùng Kansai (Kandeiren) và phát biểu trước đông đảo doanh nghiệp 2 nước tại Diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch nước nhấn mạnh Nhật Bản đang là nhà đầu tư số 1, nhà cung cấp ODA số 1 và là thị trường xuất nhập khẩu, thị trường thu hút khách du lịch, hợp tác khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản, ASEAN+3, Hiệp định đối tác toàn kiện khu vực, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu... và đặc biệt là việc đàm phán Hiệp định TPP đang mở ra những cơ hội thuận lợi hơn cho việc tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông-thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô). Trong số đó, hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ là một điểm nhấn quan trọng.: “Để tiến hành công nghiệp hóa thành công, một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với Việt Nam là phát triển mạnh nền công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị của sản phẩm. Để có được ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, chúng tôi cho rằng cần một lộ trình rõ ràng, phát triển đồng bộ 4 yếu tố quan trọng gồm: nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Chúng tôi mong muốn Nhật Bản, là đối tác chiến lược và bạn bè tin cậy của Việt Nam, tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trước đó, sáng 19/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và có buổi nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản lần này đã thành công tốt đẹp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa 2 nước: “Mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp phải suy nghĩ phải có hành động để hiện thực hóa những thỏa thuận. Phải làm sao để cả về lượng và chất trong từng mối quan hệ được tăng lên mạnh mẽ. Làm được điều đó không chỉ lợi một phía mà lợi cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, hoàn toàn phù hợp với lợi ích của khu vực và thế giới, nhất là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”
Sau khi ở thăm Osaka, Chủ tịch nước và phu nhân sẽ rời Nhật Bản, lên đường về nước./.