Ngày 19/6, tại Thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội Đơn vị TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri là các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 9.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri Quân khu 9 |
Các cử tri đều cho rằng, kỳ họp Quốc hội thứ 5 diễn ra với không khí sôi nổi, dân chủ, các đại biểu đã thể hiện được ý kiến của mình qua hình thức tham luận sang tranh luận; đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, phản ánh được tiếng nói, tâm tư của cử tri.
Trong các nội dung được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này, có hai vấn đề nóng trong nghị trường và cả ngoài xã hội đó là việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và hoãn chưa thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Theo cử tri Trần Thành, việc Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được cử tri đánh giá cao bởi đây là vấn đề nhạy cảm cần có thêm thời gian xem xét thấu đáo để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Còn Luật An ninh mạng, khi ra đời sẽ góp phần phục vụ kịp thời cho 2 nhiệm vụ là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là việc bùng nổ cách mạng 4.0.
Cử tri cũng đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố cho biết rõ hơn trong luật này phạm vi có những nội dung nào quan trọng nhất có liên quan, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng an ninh, và có ảnh hưởng gì đến việc chúng ta tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lâu dài bền vững?
|
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với ý kiến của cử tri |
Về Luật Đơn vị hành chính đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vừa qua tại các thành phố lớn, những địa bàn có nhà đầu tư đã xảy ra tình trạng mất an ninh. Qua vụ việc này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, người dân có thể góp ý với Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức, nhưng việc nhen nhóm cố tình xuyên tạc sự thật như bán đất, bán nước thì rõ ràng là luận điệu của kẻ thù, một bộ phận nhân dân đã bị lợi dụng lòng yêu nước.
"Quốc hội rất hoan nghênh, biểu dương tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội đang bàn, nhưng đừng để lòng yêu nước đó bị những kẻ lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây rối, thậm chí là vi phạm pháp luật. Trong khi Quốc hội đã quyết định tạm lùi thời gian thông qua Luật, và quyết định không quy định trường hợp đặc biệt là 99 năm mà áp dụng theo Luật Đất đai hiện hành nhưng vẫn xuống đường cầm tờ giấy 99 năm" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, về chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước khi xây dựng luật đặc khu đã có ít nhất 3 kỳ đại hội 10, 11, 12 trong văn kiện đều cho chủ trương nghiên cứu sớm xây dựng hình thành những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… cũng đã có quy định về nội dung này. Từ giữa năm 2013 quá trình xây dựng luật được chuẩn bị, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thảo luận cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc ban hành Luật nhằm xây dựng phát triển kinh tế, tạo vùng động lực để xây dựng đất nước. "Nếu xây dựng đặc khu, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì nhất định không làm. Nếu đã làm thì giữ vững cho được chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị của đất nước. Chúng ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu và mấy chục năm đổi mới để có được đất nước ngày hôm nay - hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển thì chúng ta đâu có đơn giản đến mức đề ra một luật hay hình thành đơn vị đặc khu để rồi làm cho đất nước khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quốc hội quyết định không quy định trường hợp đặc biệt cho thuê đất 99 năm và lùi lại thời gian thông qua luật để lắng nghe thêm, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân.
|
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi người dân đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây rối. |
Về Luật An ninh mạng, theo chỉ số quốc tế về an ninh mạng, Việt Nam xếp thứ 100 trên thế giới và xếp vị trí “đội sổ” ở khu vực ASEAN. Mức độ an ninh mạng thấp đã dẫn tới những việc đáng tiếc. Chủ tịch Quốc hội đã đưa ví dụ như vào ngày phán quyết của Tòa án The Hague về Luật Biển, tin tặc đã tấn công trang mạng của Hãng hàng không Việt Nam. Cách đây không lâu, tin tặc vừa cướp sạch tiền từ tài khoản của các khách hàng Agribank.
Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng. Năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016 và đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm khiến nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, phạm vi điều chỉnh luật này có 3 nhóm chính: an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Có nghĩa nếu chúng ta nghiêng quá về an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì có vi phạm quyền tự do cá nhân trong tiếp cận thông tin hay quyền lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi sử dụng thông tin hay không. Tất cả những cái này đều được tính toán hết đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền tự do cá nhân.
Và luật này phòng ngừa xử lý đấu tranh đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng là chính, còn nếu sử dụng không gian mạng bình thường thì không ai gây khó khăn. Tức là những hoạt động hợp pháp sẽ được bảo vệ. Các đối tượng thực hiện hành vi tấn công khủng bố mạng, gián điệp mạng, lừa đảo, sử dụng không gian mạng để môi giới mại dâm, vu khống người khác để tung tin đồn nhảm…, Luật này sẽ xử lý.
Chủ tịch Quốc hội cũng trích lời của Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học tổng hợp Saint Peterburg rằng: không gian mạng cũng chính là lĩnh vực chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, không khác gì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không phận và chủ quyền lãnh hải. Hơn thế nữa, đây là không gian, nơi diễn ra những hành động thù địch không kém phần nguy hiểm so với các hành động thật ngoài đời. Vì thế, bất cứ quốc gia nào cũng không được xem thường.
Chiều nay, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị số 1, TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri là các lãnh đạo các cơ quan, sở ngành, cán bộ chiến sĩ công an và cử tri các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Huỳnh Chí Sỹ cho rằng, vừa qua, lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và thảo luận về Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, một số đối tượng quá khích đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân kích động gây rối.
“Các thế lực thù địch luôn tìm cách bóp méo, cố tình xuyên tạc, bịa đặt cho rằng Luật An ninh mạng sẽ hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, kích động biểu tình, gây rối trật tự đập phá trụ sở trong thời gian vừa qua. Chủ tịch Quốc hội có thể thông tin cho nhân dân TP Cần Thơ biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật An ninh mạng”.
|
Cử tri Huỳnh Chí Sỹ |
Chủ tịch Quốc hội cho biết về sự cần thiết để ban hành Luật An ninh mạng, bởi vì sự phát triển của khoa học công nghệ, không gian mạng đã trở thành cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xã hội thông tin.
Sự phát triển của công nghệ mang tính đột phá và mang lại lợi ích to lớn. Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ được những mối đe dọa của an ninh mạng.
“Chúng ta phải làm gì với những hạn chế về an ninh mạng? Chúng ta cần ý thức được tiềm lực về an ninh mạng chưa thực sự đủ mạnh và chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng nếu chúng ta không ban hành Luật An ninh mạng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cung cấp thêm thông tin hiện đã có hơn 80 tổ chức quốc gia, các tổ chức quốc tế đã tìm cách quản lý chống lại nguy cơ mất an ninh từ không gian mạng. Có 23 quốc gia trên thế giới đã ban hành hơn 40 văn bản về an ninh mạng.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước khi ban hành dự án luật này đã được Quốc hội rà soát một cách chặt chẽ để không vi phạm Hiến pháp 2013, trong đó đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Căn cứ vào Luật này, Chính phủ sẽ ra văn bản hướng dẫn thực hiện, để đảm bảo không có ngăn cản nào cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu thông tin, không ảnh hưởng đến các cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp./.