(VOV5) - Hôm qua, tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản, từ ngày 20 - 21/5 dưới sự chủ trì của Nhật Bản, đã thành công tốt đẹp.
Các nhà Lãnh đạo đã trao đổi, đánh giá và đưa ra những giải pháp giải quyết các thách thức toàn cầu, nhất là phục hồi kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Ảnh: VOV |
Về kết quả tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này của đoàn Việt Nam, Bộ trường Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp cả trên phương diện đa phương và song phương. Trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Về đa phương, Thủ tướng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp, nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực. Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được các nhà Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước G7 mở rộng. Ảnh: VOV |
Về song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm. Các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên, như: an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Tại Hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.