(VOV5) – Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng leo thang tại Biển Đông, cụ thể là việc Trung Quốc phát hành bản đồ khổ dọc, trong đó ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi cái gọi là “chủ quyền” mà Bắc Kinh yêu sách, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển ở Biển Đông.
|
Bản đồ do Trung Quốc phát hành "nuốt" trọn Biển Đông Ảnh: Chinadaily |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 26/6 nhấn mạnh tấm bản đồ mới 10 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông là “tham vọng bành trướng vô lý”, đi ngược lại với luật pháp quốc tế và vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Nhật báo Inquirer của Philippines cũng dẫn lời giới chuyên gia, nhận xét đây là hành động khiêu khích mới của Trung Quốc, tiếp sau hàng loạt động thái mở rộng, xây dựng trái phép ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông.
Website của Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) hôm qua cũng có bài về vấn đề Biển Đông, cho rằng căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ hạ nhiệt. Trợ lí Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel lên tiếng chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nhấn mạnh đây là hành động coi thường các biện pháp ngoại giao và hòa bình trong việc giải quyết những bất đồng và tranh chấp.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ sự phi lý của Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo La Croix, chuyên gia Pháp Valérie Niquet, người đứng đầu bộ phận Châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược FRS, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng tham vọng bá quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông để che đậy tình trạng bất ổn trong nước. Ông Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia La Plata, Argentina, phê phán Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và khoa trương sức mạnh. Giới chuyên gia tố cáo Trung Quốc đang đe dọa sự ổn định ở Đông Nam Á và tự do hàng hải tại khu vực./.