(VOV5) - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sắp tới phải lo thật tốt chính sách về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động.
Chiều 10/11, tiếp tục nội dung chất vấn của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng tập trung vào việc thực hiện gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường lao động và chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lĩnh vực lao động, an sinh, an dân và xã hội có nhiều hệ lụy do tác động của dịch COVID- 19, đòi hỏi sớm phải có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID – 19, Việt Nam đã ban hành 3 chính sách lớn để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN |
Đánh giá về mức độ thụ hưởng của các chính sách này cho đến nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Dựa trên chính sách của Trung ương, các địa phương làm cơ sở ban hành chính sách khác, huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ cho người dân”.
Thời gian qua, 1,3 triệu lao động từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê tránh dịch đã gây ra tình trạng thiếu lao động tại các khu công nghiệp, các địa phương có nhu cầu lao động cao. Để giải quyết tình trạng này,
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sắp tới phải lo thật tốt chính sách về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động. Thứ hai, chăm lo an sinh thật tốt, phải có mức sàn tối thiểu cho người lao động yên tâm: vấn đề nhà trọ, nhà ở, sinh hoạt, nơi chăm sóc trẻ em. Thứ ba, phải đảm bảo cho người lao động về an toàn tính mạng, sức khỏe bằng cách tiêm vaccine: “Lực lượng lao động về quê là tương đối lớn. Trong số này, 30% có nhu cầu quay trở lại Thành phố HCM và các tỉnh phía Nam; 30% muốn chuyển đổi việc làm; còn lại phần đông muốn ở lại quê và muốn có công ăn việc làm tại quê. Để đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề đặt ra là các địa phương chủ động kết nối với địa phương, giới thiệu việc làm cho lao động; cùng với đó là tạo việc làm tại chỗ; tiếp theo là khuyến khích lao động quay trở lại. Gắn với đó là triển khai chính sách giảm nghèo, cho vay, hỗ trợ người lao động tạo công việc mới ở địa phương”.
Ngoài việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Bộ trưởng cho biết ngành cũng rất quan tâm tới hơn 2,5 nghìn trẻ mồ côi do dịch Covid - 19. Hiện, Bộ đã ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em ở các mức độ khác nhau nhằm đảm bảo tất cả trẻ mồ côi đều được chăm sóc bởi gia đình, người thân, không đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mặc dù Việt Nam tạm dừng cải cách chính sách tiền lương năm 2022, nhưng vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, đặc biệt quan tâm người nghỉ hưu trước năm 1995, những người có lương hưu thấp. Bộ rốt ráo chuẩn bị và trong tháng 12 này, dự kiến Chính phủ sẽ quyết định việc điều chỉnh lương hưu .
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục vào đầu giờ sáng mai, 11/11.