(VOV5) - Nếu như trước đây xác định đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là để xóa đói giảm nghèo thì hiện nay xác định, đầu tư cho vùng này là đầu tư cho phát triển.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV dành cả phiên họp chiều 12/06, để thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình được đánh giá có ý nghĩa thực tiễn cao, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đối tượng thụ hưởng là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi |
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước.
Nếu như trước đây xác định đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là để xóa đói giảm nghèo thì hiện nay xác định, đầu tư cho vùng này là đầu tư cho phát triển. Do đó, Chương trình cần chọn trọng tâm trọng điểm để tập trung đầu tư thực hiện và đột phá tạo khác biệt. Đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu ý kiến: “Cần lựa chọn nội dung trọng điểm, cấp thiết ưu tiên ngay từ năm đầu của giai đoạn. Nếu giai đoạn trước đây với quan điểm đầu tư để xóa đói, giảm nghèo thì chính sách của chúng ta là mang tính hỗ trợ. Nhưng nay quan điểm đầu tư phát triển thì đề xuất cho vay đến hộ và dự án của Chương trình. Về sản xuất hàng hóa, cần phải có sự nghiên cứu toàn diện, phải đổi mới tư duy, lấy đặc sản thay cho cao sản, lấy trái vụ thay cho chính vụ, phải có cơ chế đảm bảo cho sản xuất theo chuỗi giá trị. Sáng tạo là do người dân. Nhà nước chỉ định hướng. Khi xây dựng báo cáo khả thi cần quan tâm chọn cốt lõi đầu tư triển khai thực hiện dự án”.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng: “Tôi đề nghị cần tập trung giải quyết 3 vấn đề quan trọng để đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi đói nghèo. Đó là giải quyết đất sản xuất một cách thật sự. Nghĩa là không chỉ đủ về diện tích mà đất phải đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất, không cằn cỗi, không bị rửa trôi, sạt lở, xói mòn. Đồng thời thực hiện tốt vấn đề định cư. Thứ hai, tập trung sản xuất có hiệu quả và hưởng lợi từ hiệu quả sản xuất. Những tiến bộ kỹ thuật, kỹ năng canh tác, gắn kết thị trường tiêu thu để đồng bào thực sự tham gia vào chuỗi giá trị. Thứ ba là đầu tư và có giải pháp để đồng bào hưởng lợi từ rừng. Sống, thoát nghèo và vươn lên từ nguồn lợi của rừng”.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến khẳng định, địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên ở mức cao nhất. Chính phủ sẽ bổ sung thêm vốn đầu tư để đạt được các mục tiêu đề ra: “Chúng tôi sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện chương trình, đảm bảo chất lượng và khả thi hơn. Hàng năm sẽ giám sát, báo cáo với Quốc hội những điểm chưa hợp lý. Đây là một chương trình không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn mang theo sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc, là cơ hội lớn để đời sống đồng bào giảm bớt khó khăn”.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thực hiện trong 2 giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 271.934 tỷ đồng (tương đương 11,7 tỷ USD).
Theo lịch trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 9, ngày 19/6.