(VOV5) - Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công, quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách.
Sáng 8/11, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV bắt đầu đợt họp trực tiếp, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022, thảo luận báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chỉnh phủ. Dự phiên họp có Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Minh Đức/ TTXVN |
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội ghi nhận những nỗ lực phòng chống dịch Covid - 19 của cả hệ thống chính trị. Chính phủ chuyển hướng chiến lược phù hợp từ zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Trong bối cảnh thiếu vaccine, sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế, Việt Nam đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, điều này là hướng đi đúng, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch. Bài học qua đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong việc bảo đảm an toàn cho người dân trước những biến động về kinh tế - xã hội. Về lâu dài, nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư cho ngành y tế.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nêu ý kiến: "Chính phủ nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng của dịch Covid – 19, tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhân lực cho y tế cơ sở. Thứ ba là tiếp tục chiến lược ngoại giao vaccine. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung, phân bổ vaccine hợp lý."
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN |
Về điều hành kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng một trong những yếu tố quyết định tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây chính là nhanh chóng đưa lực lượng lao động trở lại làm việc. Nhấn mạnh rằng phòng chống COVID -19 không phải là một nhiệm vụ tức thời, các đại biểu đề nghị Chính phủ có chiến lược lâu dài để xây dựng, củng cố đội ngũ lao động được tổ chức tốt hơn, có giải pháp đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng: "Cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045; có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học với các cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới. Vừa qua, trong chuyến tham dự Hội nghị COP 26, Thủ tướng đã tiếp xúc với nhiều cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới và đặc biệt chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giữa 1 tập đoàn của Việt Nam và 1 trường thuộc viện Đại học Oxford. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra cánh cửa để sinh viên Việt Nam tiếp cận với 1 trong những môi trường học thuật hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó cần phát triển mạnh đào tạo nghề, Kỹ năng là công cụ tốt nhất để người lao động làm chủ máy móc. Nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa."
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công, quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách.