Đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược

(VOV5) -  Việc xây dựng, ban hành dự án luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh...

Sáng nay (10/10), tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết việc xây dựng, ban hành dự án luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược - ảnh 1Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: VOV

Quan điểm là tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Song vẫn phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam.

Chính phủ đề xuất với Luật Quy hoạch, cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch. Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) cũng có nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, như: bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa dự án án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác