(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội cho rằng các thị trường chính là mạch máu của nền kinh tế, vì vậy phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, khơi thông các loại thị trường.
Chiều 18/9, tại Hà Nội, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức có chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc, trong đó nhấn mạnh rõ thông điệp kiên trì giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô. Chủ tịch Quốc hội cho rằng các thị trường chính là mạch máu của nền kinh tế, vì vậy phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, khơi thông các loại thị trường. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Một trong những kết quả lần này của diễn đàn, chúng ta cũng thống nhất với nhau là ngoài việc mà trước mắt là chuyện chúng ta tập trung vào việc trước mắt thì không bao giờ quên những mục tiêu dài hạn, đó là vấn đề về tái cơ cấu lại nền kinh tế. Chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã được ban hành, các lĩnh vực vẫn tiếp tục theo mục tiêu dài hạn, bám vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm. Chúng ta vẫn phải tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng này".
Diễn đàn năm nay thu hút 450 đại biểu dự trực tiếp tại hội trường; 600 giảng viên, học viên và sinh viên của 6 học viện, trường đại học theo dõi theo hình thức kết nối trực tuyến tới các điểm cầu. Diễn đàn nhận được 44 lượt ý kiến của các diễn giả, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, đại biểu nước ngoài.
Các ý kiến tại diễn đàn thống nhất rất cao về việc đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam. Thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19. Xung đột giữa các nước gần đây đã làm trầm trọng thêm những khó khăn mà thế giới phải đương đầu do chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, làm cho giá năng lượng, giá lương thực tăng cao, làm xuất hiện yếu tố đình đốn, lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mức dự đoán thận trọng nhất là Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7% và lạm phát duy trì ở mức dưới 4%. Việt Nam cũng đạt được tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu lớn, dự đoán có thể đạt đến 750 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần quy mô GDP.