(VOV5) - Mặt trận sẽ gửi thông điệp và lời kêu gọi đồng bào nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, lấy mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, khai mạc trọng thể sáng 17/10, tại Hà Nội. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết được khơi dậy mạnh mẽ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam hoàn thành mọi mục tiêu đề ra.
Việt Nam đã đi được 2/3 chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, có nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra rất nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết dân tộc, chung tay đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu.
Sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với vai trò của Nhân dân
Nhắc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhắc đến vai trò tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cuộc cách mạng.
Lịch sử hơn 90 năm ra đời Hội phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận đã có những đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, một nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần làm nên những mốc son mới trong lịch sử.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X khai mạc trọng thể sáng 17/10 tại Hà Nội. Ảnh: Văn Hiếu/VOV |
Cách đây 11 năm, năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã được ghi rõ trong Hiến pháp. Cũng lần đầu tiên, Hiến pháp quy định vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam. Đây là một bước tiến mới của tiến trình thực hiện dân chủ, đưa vai trò vị trí của MTTQ Việt Nam vào đúng vị thế cần có, nhằm tăng cường đồng thuận xã hội đưa đất nước phát triển.
10 năm sau, năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định nâng tầm Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị. Đây là một quyết định có tính lịch sử, bởi chỉ có Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy vai trò, sứ mệnh của MTTQ Việt Nam được đặt lên một tầm mức mới, trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Cũng trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 43 ngày 24/11 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt chính trị, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, chung sức, chung lòng hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển hùng cường, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Những vấn đề có tính chiến lược nêu trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với vai trò của Nhân dân mà MTTQ Việt Nam có sứ mệnh tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của toàn thể Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Huỳnh Đảm, cho rằng: Ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định muốn sự nghiệp cách mạng thành công thì phải tin, dựa và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phải khẳng định lấy dân làm gốc. Những quan điểm này kế thừa, phát huy nâng lên, ngày càng hoàn thiện. Đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Thúc đẩy đoàn kết trong kỷ nguyên vươn mình
Lịch sử Việt Nam hiện đại đã chứng kiến nhiều mốc son chói lọi trong bảo vệ, xây dựng đất nước. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do được mở ra từ năm 1945. Tiếp đó là kỷ nguyên của đổi mới và phát triển. Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành 1 trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, một trong 20 thị trường ngoại thương lớn nhất toàn cầu, quốc gia hàng đầu về Chỉ số phát triển con người (HDI), về đổi mới sáng tạo… trong nhóm các nước cùng trình độ phát triển kinh tế.
Thành tựu mang tầm vóc thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và phát triển đã tạo ra tiền đề vững chắc cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Quỳnh Trang/VOV
|
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) vạch ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để vươn mình thành công, rất cần nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn dân. Phát biểu tại họp báo ngày 3/8, ở Hà Nội, ngay sau khi được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Mặt trận sẽ gửi thông điệp và lời kêu gọi đồng bào nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, lấy mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng. Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức đồng lòng sẽ đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.