(VOV5) - Đa số ý kiến cho rằng Dự thảo luật đã thể hiện khá đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng nay (17/8), tại Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều nội dung quan trọng được đại biểu cho ý kiến, đặc biệt là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần….
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng Dự thảo luật đã thể hiện khá đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm là phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội: “Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (từ năm 2014), nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành, thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu. Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm là tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, như 45 đến 47 tuổi mới tham gia hoặc là những người tham gia không liên tục, không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, vẫn sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng”.
Về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, nợ đóng bảo hiểm xã hội, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI), cần có những chế tài quy định rõ hơn, đảm bảo sự hài hòa, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, tạo nguồn thu, việc làm cho người lao động.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét trong dự thảo Luật, như: tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có đối tượng ở xã, thôn, xóm. Ngoài ra, cần quan tâm đến đối tượng lao động như: lao động tự do, lao động từ xa…