(VOV5) - Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV là cầu nối quan trọng, thắt chặt mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương.
Sáng nay (22/8), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng hơn 400 kiều bào ở 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về tham dự.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để cùng rút ra những kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước: "Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm".
Quang cảnh hội nghị. |
Tại buổi lễ, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu, đã trình bày những nguyện vọng và kiến nghị quan trọng của cộng đồng kiều bào đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước: "Trong lĩnh vực quốc tịch, chúng tôi mong muốn sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời, giữ nguyên quốc tịch nước ngoài. Nguyện vọng của bà con nhằm giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ mai sau".
Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 diễn ra ngay sau phiên khai mạc với chủ đề “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước". Tại đây, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về các xu thế phát triển của thế giới và khu vực cùng những giải pháp cụ thể cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Đáng chú ý, diễn đàn có sự tham gia của nhiều diễn giả: TS. Lê Viết Quốc, nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google; GS. Nguyễn Thị Kim Thanh từ Đại học UCL, Vương quốc Anh; GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức VN tại Australia. Các chuyên gia trình bày về các chủ đề, như: xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo, hội nhập quốc tế trong khoa học của Việt Nam và đóng góp của trí thức trẻ kiều bào cho khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba định hướng quan trọng cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong suốt chặng đường phát triển của đất nước. Thủ tướng kêu gọi kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hướng về quê hương, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời, cam kết Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng nêu ra những định hướng quan trọng cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới: "Thứ nhất, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ hai cần phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, đồng thời, thể hiện mạnh mẽ, tích cực hiệu quả hơn về tình cảm, tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ ba, công tác đối với người Việt Nam và nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động và hỗ trợ cộng đồng".
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng kiều bào tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV. |
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia 4 phiên thảo luận chuyên đề. Đó là: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam,” “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước,” “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào,” và “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt.”
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV không chỉ là diễn đàn để kiều bào phát huy vai trò của mình trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng, thắt chặt mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương. Những kết quả từ hội nghị này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.