(VOV5) - Thủ tướng khẳng định, đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế theo 3 trụ cột chính: xóa quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế.
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung Ương Đảng Khóa XIII khai mạc sáng 21/7, tại Tòa nhà Quốc hội, Hà Nội, và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng… Hội nghị tổ chức trong thời gian 1,5 ngày, từ sáng ngày 21 đến trưa ngày 22/7.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV |
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao" tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết quan trọng này.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế theo 3 trụ cột chính: xóa quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung Ương Đảng Khóa XIII diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước. Ảnh: VOV |
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Trong đó chú trọng công tác quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam, nhằm bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. "Đây là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan đến tôn giáo, dân tộc liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, quốc tế quan tâm. Đây là vấn đề khó phức tạp nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, không nóng vội, phải rất uyển chuyển, mềm dẻo, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan và lấy thực tiễn làm thước đo để làm. Cái gì được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta tiếp tục đưa vào chủ trương. Trên cơ sở đó, chúng ta luật hóa. Còn vấn đề chưa rõ nhưng thực tiễn đặt ra thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với tinh thần không cầu toàn, nóng vội".
Tiếp đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh báo cáo về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành trung Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh giải pháp về nâng cao vai trò, vị thế, năng được làm chủ và cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, được coi là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 19.
Tại phiên làm việc buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh 3 vấn đề về: Tính cấp thiết ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; Nội dung cơ bản của Nghị quyết, đặc biệt những nội dung mới; Các cấp, các ngành, các địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống. Nghị quyết đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.