Hội nhập trong IPU là trọng trách của quốc hội Việt Nam

(VOV5)- IPU-132 là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử - ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng của Quốc hội Việt Nam.

Hội nhập trong IPU là trọng trách của quốc hội Việt Nam  - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Lại Thìn


Chiều 26/3, tại Trung tâm Báo chí Hội nghị quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU Việt Nam, Chủ tịch IPU Saber Choudhury, Tổng thư ký IPU Martin Chungong cùng chủ trì buổi họp báo quốc tế, nhằm thông tin cho các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế về nội dung của kỳ họp Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 28/3 đến 1/4.

Phát biểu chào mừng tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng khẳng định IPU-132 là sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử ngoại giao nghị viện của Việt Nam nói riêng, ngoại giao Việt Nam nói chung. Đây vừa là vinh dự vừa là trọng trách của Quốc hội Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã sẵn sàng cho IPU-132 và cam kết sẽ nỗ lực hết mình cho sự thành công của sự kiện quan trọng này.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng thư ký IPU Martin Chungong đều đánh giá cao chủ đề của IPU-132  lần này, cho rằng đây là chủ đề lớn mang tính trọng tâm, vừa đánh giá kết quả thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ mà các thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ từ năm 2000, vừa đề ra những khuôn khổ cho sự phát triển tiếp theo. Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định: Chủ đề hội nghị sẽ được thể hiện qua tuyên bố Hà Nội. Đây là tuyên bố chung của kỳ họp và được gửi đến kỳ họp của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9 tới. Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và đã được quốc tế công nhận. Chúng tôi rất vui được hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Việt Nam đã làm được những điều phi thường về công tác chuẩn bị. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và vui mừng khi có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam vì mục tiêu chung.

Trả lời câu hỏi về mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại Hội nghị lần này, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định vấn đề bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu trong IPU. Bày tỏ sự ngưỡng mộ khi Việt Nam tỷ lệ nữ nghị sỹ lên tới 25%, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury mong muốn IPU-132 tổ chức tại Việt Nam sẽ là nơi để nghị sĩ các nước chia sẻ kinh nghiệm, nhất là tham khảo mô hình từ Việt Nam để IPU-132 trở thành dấu mốc thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới thời gian tới. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết thêm: Ở Việt Nam, trong xây dưng pháp luật, chúng tôi luôn chống lại những quy định làm ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em. Nhiệm kỳ tới Quốc hội Việt Nam sẽ cố gắng 30% phụ nữ thêm gia, nếu trên nữa thì tốt, tùy vào năng lực trình độ của chị em. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nói: Nếu giải phóng đất nước, đem lại độc lập tự do no ấm mà chưa giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng có một nửa.

Dự kiến, phiên khai mạc Đại hội đồng IPU-132 sẽ khai mạc tối 28//3 tại Hà Nội, với sự tham dự của khoảng gần 1.600 đại biểu là nghị sĩ đến từ 160 nước trên thế giới.

Sự kiện này thu hút sự tham gia của hơn 160 đoàn khách quốc tế bao gồm các Nghị viện thành viên IPU, thành viên liên kết, các tổ chức và khách mời quốc tế tham dự.

Tại Đại hội đồng, Nghị sỹ từ các nơi trên thế giới sẽ tham gia thảo luận về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”. Đại hội đồng cũng sẽ thông qua các Dự thảo Nghị quyết tại 4 Ủy ban về hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững, tài chính và thương mại, dân chủ và nhân quyền, và về các vấn đề liên hợp quốc. Các Nghị sỹ cũng thảo luận xem xét thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp. Hội nghị Nữ Nghị sỹ với sự tham dự của hơn 200 nữ đại biểu sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ. Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức lễ Mít-tinh chào mừng sự kiện này, thể hiện cam kết tiếp tục tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các hoạt động của Hội nghị.

Song song với các cuộc họp của Đại hội đồng, Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) cũng sẽ họp thảo luận về các chủ đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc hoạt động hiệu quả” do Văn phòng Quốc hội Việt Nam đề xuất và “Vận động hành lang và các nhóm lợi ích: Một khía cạnh khác của quy trình lập pháp” do Philippin đề xuất, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn công tác phục vụ nghị viện, điều kiện đảm bảo để triển khai quyết nghị của IPU tại các nghị viện thành viên.

Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 132 của IPU, Diễn đàn Nghị sỹ trẻ sẽ họp và thảo luận, đưa ra quan điểm của giới trẻ về hai dự thảo nghị quyết chiến tranh mạng và định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng IPU-132, từ ngày 27 – 29/3, nhiều hoạt động tái hiện lễ hội, phong tục truyền thống của các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết các quốc gia, củng cố quan hệ hữu nghị giữa các Nghị viện thành viên IPU. Đây cũng là cơ hội tôn vinh, giới thiệu với bạn bè quốc tế về những giá trị văn hóa tiêu biểu, sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác