(VOV5) - Hôm qua (26/10), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế về Biển Đông bế mạc sau hai ngày thảo luận.
Kết thúc các phiên thảo luận và phát biểu, các diễn giả tham gia hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo môi trường an ninh tại biển Đông, đề xuất việc thể chế hoá Diễn đàn Cảnh sát biển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các diễn giả cũng cho rằng chuyển đổi xanh và bền vững trong việc khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng, tài nguyên biển là xu hướng không thể đảo ngược. Tuy nhiên, các nước phải cân bằng giữa khai thác và bảo tồn hệ sinh thái biển, cần có khuôn khổ hợp tác về bảo vệ, xây dựng, duy trì cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đại diện thế hệ trẻ đến từ các quốc gia Đông Nam Á cũng đã tham gia thảo luận về những lo ngại của thế hệ trẻ trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông; đồng thời chia sẻ một số ý tưởng, đề xuất để đạt được một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. Ảnh: dangcongsan.vn |
Tham dự hội thảo dưới hình thức trực tuyến, bà Paola Pampaloni, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS), khẳng định EU coi trọng chủ nghĩa đa phương, cho biết EU có lợi ích chiến lược và kinh tế sống còn gắn liền với an ninh trên không gian biển và sự thịnh vượng của các quốc gia ven biển Đông. Do đó, EU phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ. Bà Pampaloni khẳng định Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là “ngọn đèn dẫn đường”, “kim chỉ nam” định hướng cho giải quyết hoà bình các tranh chấp tại khu vực.
Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý, trong đó COC phải tôn trọng lợi ích của bên thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế.