Họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

(VOV5) - Tại buổi họp báo, chiều nay,trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ngay trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông và đã thảo luận kỹ nội dung này. Quốc hội đã ra Thông cáo số 2 để bày tỏ quan điểm, thái độ trước hành động sai trái của Trung Quốc. Tiếp đó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng đã gửi thư tới nghị viện các nước. Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nhắc lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về tình hình Biển Đông.

Về sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, do còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thời gian lấy phiếu và mức bỏ phiếu tín nhiệm nên Quốc hội chưa sửa đổi Nghị quyết 35 tại kỳ họp này.

Về việc triển khai xây dựng Luật biểu tình và nội dung một số luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong quá trình tham gia xây dựng chương trình xây dựng pháp luật 2014 - 2015 và nhiệm kỳ khóa XIII, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII, có Luật biểu tình. Ngay sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội sẽ có Nghị quyết phân công thẩm định luật biểu tình. Chính phủ sẽ là cơ quan soạn thảo luật này và các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, 11. Tại kỳ họp này, Việt Nam đã sửa đổi Luật Quốc tịch. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn Quốc tịch Việt Nam.


Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định trên cơ sở thực tiễn sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, Quốc hội chưa thấy cần thiết phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác