(VOV5) - Chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người.
Tại họp báo thường kỳ vào chiều 11/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và yêu cầu các bên tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng |
Trước thông tin Trung Quốc diễn tập trái phép trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 3/2021, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông.
Bình luận trước việc các nước Châu Âu thông báo điều tàu chiến tới Biển Đông, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho rằng: Việc duy trì hòa bình ổn định, trật tự, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này.
Ảnh minh họa |
Trả lời câu hỏi trước báo cáo của tổ chức Freedom House cho biết Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.
Theo Người phát ngôn, một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ lần thứ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2019, các nước quan tâm đã tham gia đông đảo tại phiên họp. Đại đa số ý kiến các nước đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận, cũng như các kiến nghị có tính chất xây dựng của Việt Nam.