(VOV5) - Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì mua vaccine lộ trình cụ thể, phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong chiến lược vaccine.
Chiều 24/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: TTXVN |
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 bước sang ngày thứ 29 với tổng số 2.253 trường hợp mắc ghi nhận trong nước, cao gấp 1,4 lần so với tổng số mắc ghi nhận trong nước của cả 3 đợt dịch trước, xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố nhiều hơn 2 lần so với các đợt dịch trước.
Nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định công tác phòng, chống dịch COVID-19 được kiểm soát đã góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sắp tới tình hình diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp và khu đông dân cư, cần phải có hành động quyết liệt, nỗ lực hơn nữa.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì mua vaccine lộ trình cụ thể, phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong chiến lược vaccine: “Chiến lược vaccine phải thần tốc hơn, phải mạnh mẽ hơn quyết liệt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Phải xem chuyển giao công nghệ thế nào, sản xuất vaccine trong nước thế nào, chúng ta phải tập trung các nhà khoa học, các bộ, ngành phải xây dựng cơ chế để khuyến khích tập trung sản xuất vaccine, phải có kế hoạch tiêm vắc xin một cách phù hợp, phải ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu. Bây giờ rõ ràng là phải ưu tiên cho cả các khu công nghiệp nó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nó ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh.”
Quang cảnh phiên họp – Ảnh TTXVN |
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, rà soát lại quy trình, quy định, quy chế, cách ly, tổ chức lại sản xuất kinh doanh để có chiến lược trong phòng chống dịch cho phù hợp với khu công nghiệp. Đồng thời, khẩn trương có văn bản đẩy mạnh vừa phòng chống dịch mà không làm đứt gãy cung ứng kinh doanh sản xuất.
Các bộ ngành, địa phương tùy từng hoàn cảnh cụ thể, phải quyết tâm hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong phương thức điều hành chỉ đạo.