Huy động chất xám chuyên gia góp ý về Đề án chiến lược Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN


(VOV5) - Chiều 01/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), có buổi làm việc với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý để lắng nghe góp ý vào Đề án.

Huy động chất xám chuyên gia góp ý về Đề án chiến lược Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đề án chính là vấn đề cốt lõi trong việc cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi làm việc, hội nghị, hội thảo để lắng nghe góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua tiếp tục xách định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó nghiên cứu ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với một số mục tiêu cụ thể là: Xây dựng nhà nước kiến tạo, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Để có một đề án chất lượng, yêu cầu phải huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý, đặc biệt là các nhà khoa học pháp lý có nhiều đóng góp, nhiều tài năng và kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. Chúng tôi mời các đồng chí hôm nay là giới tinh hoa trong khoa học pháp lý của Việt Nam. Đây là các đồng chí chuyên sâu đã biên tập nhiều tài liệu về Nhà nước pháp quyền, đã tham gia vào xây dựng Hiến pháp 2013, cả lý luận và thực tiễn nhà nước pháp luật nói chung, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng, tham gia đóng góp một số vấn đề trong đề cương dự thảo".

Chủ tịch nước đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào một số nội dung như phạm vi của đề án; về bố cục, đề cương của Đề án; về nội dung nghiên cứu; về các chuyên đề chuyên sâu của Đề án; việc phân công các cơ quan thực hiện các chuyên đề… và những nội dung khác mà các chuyên gia, nhà khoa học mong muốn góp ý.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác