((VOV5)- Đây là thông tin từ ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam.
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay ODA và các dự án hợp tác kỹ thuật khác cho Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, y tế và trung hòa carbon trong thời gian tới.
Ông Shimizu Akira phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Thanh Huyền/ VOV |
Tại buổi họp báo “Tổng kết hoạt động chính của JICA Việt Nam trong nửa đầu năm tài chính 2022” được tổ chức chiều 12/10, tại Hà Nội, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết: Trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước đây, đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đây cũng là những lĩnh vực JICA ưu tiên hỗ trợ Việt Nam vốn vay ODA trong giai đoạn tới.
Ông Shimizu Akira cho biết: "Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tuy nhiên động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này là nhờ mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Để một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố không thể thiếu tại mỗi quốc gia. Trong thời gian tới, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng - động lực tăng trưởng của Việt Nam".
Về lĩnh vực y tế, trong “Sáng kiến Y tế toàn cầu”, JICA tiếp tục thông qua ba bệnh viện gồm Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập hệ thống đào tạo từ xa cho y tế tuyến dưới, cải tiến các kỹ thuật y tế thông qua chuyển đổi số....
Bên cạnh đó, JICA cũng đang xem xét cho vay mới đối với một số dự án sản xuất điện mặt trời và điện gió, tiếp tục cử chuyên gia về tăng trưởng xanh hỗ trợ các địa phương nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng vào năm 2050.