(VOV5) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ trong bối cảnh đó, APEC cần tiếp tục tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế để tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực và thế giới.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế lần thứ 29 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) (gọi tắt là AMM-29) khai mạc trọng thể ngày 8/11, tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện của các tổ chức quan sát viên của APEC. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29). |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh kể từ AMM-28 tại Lima, Peru năm 2016, APEC đã chứng kiến sự gia tăng hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên trước những thách thức mới đối với tăng trưởng và liên kết khu vực. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ trong bối cảnh đó, APEC cần tiếp tục tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế để tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực và thế giới, chuẩn bị cho thập kỷ phát triển thứ tư của APEC, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tại Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Cuộc họp của chúng ta ngày hôm nay tập trung vào 3 nội dung sau. Thứ nhất, rà soát lại tất cả tiến trình hoạt động của APEC trong 1 năm qua. Thứ hai là hoàn tất các nội dung trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao APEC trong những ngày họp tới. Thứ ba là quyết định thúc đẩy tiến trình hợp tác trong APEC ở một số lĩnh vực trọng tâm trình các nhà lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC tại Hội nghị thượng đỉnh”.
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng tình hình thế giới và khu vực đang nổi lên nhiều bất ổn, đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại. Mặc dù năm qua, APEC đạt được những kết quả nhất định trong hợp tác trên cả 3 trụ cột, song các thách thức trở nên phức tạp hơn. Nhấn mạnh ý nghĩa của năm 2020 là thời hạn các nền kinh tế APEC hoàn tất các mục tiêu Bogor được đề ra tại Hội nghị cấp cao năm 1994, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Đến năm 2020 mục tiêu Bogor sẽ phải được hoàn tất. Tại Hội nghị Bộ trưởng thương mại lần thứ 23 tổ chức tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh các cam kết và hành động cụ thể để hoàn thành đúng thời hạn Mục tiêu Bogor. Kể từ đó đến nay, dưới sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ trưởng thương mại APEC, các quan chức cấp cao APEC, việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư có những bước phát triển quan trọng. Tại Hội nghị lần này, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ tiến trình thực hiện công việc để làm sao thúc đẩy mục tiêu này một cách hiệu quả nhất”.
Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị tiến hành các phiên thảo luận về tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thuận lợi hóa đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng, kinh tế số, thương mại điện tử, củng cố hệ thống thương mại đa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.