(VOV5) - Sáng 11/7, tại Hà Nội, khai mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án: Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định về tổ chức bộ máy của một số đơn vị hành chính tại 3 tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trong phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt NamCác thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.. Do đó, cần quy định cụ thể các trường hợp nổ súng của cán bộ chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: quy định vị trí cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, thực hiện nhiệm vụ dân sự, khi cần bảo vệ tổ quốc thì được quyền nổ súng: "Luật Cảnh sát biển Việt Nam nếu được thông qua phải nâng cao vị thế và sức mạnh của cảnh sát biển để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Bản chất là lực lượng vũ trang, quy định như thế nào mà theo thông lệ quốc tế thì cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ dân sự. Cái khó là lực lượng vũ trang nhưng nhiệm vụ là thực thi nhiệm vụ dân sự thì mới phù hợp với thông lệ quốc tế mà nhiều nước đang áp dụng. Giải thích đảm bảo bản chất là lực lượng vũ trang, thực hiện nhiệm vụ dân sự, khi cần bảo vệ tổ quốc được quyền nổ súng".
Cũng trong hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xem xét, quyết định việc thành lập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh và Bà Rịa Vũng Tàu.