Khai mạc phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(VOV5) - Một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp này là tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan tư pháp.
Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 45. Phiên họp dự kiến diễn ra đến ngày 24/2.
Tại phiên họp này, Ủy ban sẽ cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến đối với nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ; về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội. Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của các dự án luật, gồm: Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); dự án Luật Dược (sửa đổi) cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13.
|
Ảnh minh họa: Chủ tịch Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp này là tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan tư pháp. Theo đó, dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận. Dự thảo các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần này.
Chiều 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đã cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội. Quy chế sửa đổi đã xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và phát huy tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trong quá trình triển khai hoạt động đối ngoại. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội (sửa đổi). Quy chế này quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục và điều kiện bảo đảm thực hiện các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Theo chương trình, sáng 18/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi); dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).