Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII

(VOV5) - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức khai mạc sáng 20/5, tại Thủ đô Hà Nội. Dự phiên khai mạc có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành Cách mạng, đại diện các Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII - ảnh 1

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong khoảng 1 tháng diễn ra Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 Nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 7 dự án luật khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng sau đây. Một là, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Hai là, xem xét dự án Luật đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và đời sống của nhân dân. Ba là, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.”

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Cũng tại phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là lần đầu tiên việc giải trình, tiếp thu Dự thảo được Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố tới nhân dân cả nước. Theo đó, một số nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận được nhiều ý kiến góp ý như Lời nói đầu, tên nước, bản chất của Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân, tính chất của nền kinh tế, sở hữu đất đai. Đề cập tên nước, ông Phan Trung Lý nêu rõ việc giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi quốc huy , con dấu, quốc hiệu trên các văn bản. Hơn nữa trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Phan Trung Lý khẳng định về cơ bản nhân dân  tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình: “ Trước hết cần khẳng định rằng việc giữ Điều 4 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, Chiến lược, các định hướng và chính sách chủ trương lớn của mình. Cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện linh hoạt, đáp ứng nhiệm vụ từng giai đoạn, từng thời kỳ. Bên cạnh đó quy định mọi tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Vì vậy, Uỷ ban đề  nghị không đưa việc ban hành luật về Đảng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.”

Ông Phan Trung Lý cũng nêu rõ đề nghị của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc giữ nguyên quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và không quy định đa sở hữu về đất đai trong Hiến pháp.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường trong 2 ngày 03 – 04/6 tới.

Chiều cùng ngày Quốc hội nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và báo cáo thẩm tra 2 dự luật này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác