(VOV5) -Đa số các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và các quy định kiểm soát mặt tác hại của việc sử dụng rượu, bia.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận tại hội trường dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều, trong đó có một số vấn đề như chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm.
Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia-Ảnh Quoooochoi.VN |
Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua Dự thảo Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đa số các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và các quy định kiểm soát mặt tác hại của việc sử dụng rượu, bia. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, đề nghị dự thảo luật làm rõ rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế xã hội. "Rượu bia là nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần, người lái xe gây tai nạn giao thông, gây tổn thương về cả tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác. Làm cho bản thân dẫn vào vào lao lý. Chuyển đổi tính mạng sống đến với bệnh tật như tim mạch, xơ gan, ung thư, gây hậu quả tử vong do tác hại của rượu bia. Nếu không có giải pháp phòng chống tác hại của rượu bia sẽ đe dọa trực tiếp đến người sử dụng."
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Thư viện; thảo luận tại tổ về hai luật này.