Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan
(VOV5) - Hai bên cũng đã trao đổi sâu và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Thái Lan trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/3/2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Thanasak Patimapragorn cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 2 Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Song phương Việt Nam-Thái Lan (UBHH). Tại Kỳ họp UBHH, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác song phương kể từ kỳ họp lần thứ nhất UBHH (tháng 11/2013). Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực;
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Tanasak Patimapragorn. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tại kỳ họp UBHH lần này, hai bên cũng đã trao đổi sâu và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Thái Lan trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; theo đó nhất trí kiến nghị tổ chức họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 kết hợp với chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, dự kiến trong nửa đầu 2015. Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả Bản thỏa thuận về hợp tác quốc phòng ký tháng 9/2012; nâng cao hiệu quả các cơ chế tham vấn và đối thoại quốc phòng; thúc đẩy sớm họp Nhóm công tác chính trị - an ninh (cấp Thứ trưởng Bộ Công an) lần thứ 7 tại Thái Lan; đàm phán sớm ký Hiệp định dẫn độ tội phạm và Hiệp định dẫn độ. Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020, sớm tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về Thương mại cấp Bộ trưởng lần 2 tại Thái Lan; đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, theo đó phối hợp triển khai các dự án lớn của Thái Lan tại Việt Nam sẽ giúp nâng tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam tăng gấp 5 lần so với hiện nay.…
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên ASEAN khác trong việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; duy trì vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong giải quyết các vấn đề chiến lược ở khu vực. Thái Lan, với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tham vấn thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Hai bên cam kết ủng hộ nhau ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Thái Lan nhiệm kỳ 2017-2018, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021) và Thái Lan ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong hoạch định và quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, đặc biệt của sông Mê Công và tăng cường phối hợp trong các cơ chế liên quan, trong đó có Ủy hội sông Mê Công (MRC)./.