(VOV5) - Nhìn về mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2020 còn rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
Ngày 30/10, Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, bắt đầu thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Dự kiến phiên thảo luận diễn ra trong 3 ngày, từ 30/10 đến hết sáng 1/11.
Trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn,lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%. Để thúc đẩy nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Ông Nguyễn Như So, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, kiến nghị việc nâng cao năng lực của thành phần kinh tế tư nhân: "Theo tôi cần phải có sự đột phá về chính sách nhằm xóa bỏ rào cản, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ, từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực; hỗ trợ đất đai, nguồn vốn tín dụng; đạo tạo nhân lực, liên kết các thành phần kinh tế… thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân tăng trưởng xứng với tiềm năng."
Ảnh: Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)- Ảnh:Zing.vn |
Về mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng: Chính phủ nên có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
"Nhìn về mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2020 còn rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu. Vì vậy mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sẽ khó khả thi. Tôi đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này. Để duy trì được tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới là rất gian nan và động lực chính của tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp."
Cũng tại phiên thảo luận sáng 30/10, các đại biểu đề cập đến nhiều vấn đề như phát triển giáo dục, xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam; những rào cản và phương hướng trong phát triển cho ngành nông nghiệp nhằm tìm hướng đi cho mặt hàng nông sản.