Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn

(VOV5) - Các ý kiến, tham luận đưa ra những giải pháp để hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Sáng nay (15/11), tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.     

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn  - ảnh 1Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Gần 50 tham luận cùng các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào một số nội dung, như: nhận thức chung về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; Quan điểm bước đầu về nội hàm và trụ cột phát triển của “kỷ nguyên mới”... Theo các đại biểu, trong kỷ nguyên mới, đổi mới mạnh mẽ tư duy là khâu mở đầu có ý nghĩa đột phá.

Các ý kiến, tham luận cũng đưa ra những giải pháp để hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định một vấn đề rất quan trọng, đó là tháo gỡ những điểm nghẽn của điểm nghẽn. Có hai vấn đề mấu chốt, đó là: cấu trúc thể chế và chất lượng cán bộ, nguồn nhân lực: "Chúng tôi cho rằng có 3 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất, phải xây dựng hệ giá trị chuẩn quốc gia theo tinh thần của Đại hội XIII để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tất cả các lĩnh vực: cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như gia đình và các yếu tố khác. Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia để tạo động lực chung cho sự kỷ nguyên phát triển dân tộc. Cuối cùng, trong công tác cán bộ, phải thực sự được nhân dân tín phục và hết mình, hết sức vì kỷ nguyên mới của dân tộc."

Các nhà khoa học cũng thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng chuyển đổi số, như: phương thức sản xuất số, mối tương quan giữa phương thức sản xuất số với kinh tế tri thức và với phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trong kỷ nguyên mới của đất nước, cần tiến hành đồng bộ quá trình đột phá kép, đó là: đột phá trong lĩnh vực công nghệ cao và đột phá về tư duy nhận thức trên cơ sở kế thừa những tư duy khoa học đã tích luỹ được trong qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới: "Mạnh dạn, cầu thị, tiếp thu những xu hướng phát triển mới của nhân loại, với phương châm tiến kịp và tiến cùng thời đại, cần có đột phá lý luận với cách tiếp cận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa Việt Nam; về lộ trình bước đi về lực lượng sản sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với cuộc cách mạng số, kỷ nguyên số. Về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là đột phá về khoa học công nghệ gắn với cuộc cách mạng chuyển đổi số về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút phát huy nhân tài."

Các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đã cung cấp luận cứ khoa học vững chắc, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác